Hotline: 091 277 2008 - Email: luatdansu.net@gmail.com.

Vụ 'án oan 10 năm': Ông Chấn sợ phải đi tù trở lại

Trong căn nhà cấp bốn lợp ngói lụp xụp ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang của ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi), từ 3 ngày nay, hàng xóm liên tục đến chia vui, ngồi ra cả sân.

Chiều ngày 7/11, ông Chấn nghẹn ngào cho hay, hôm qua được tin TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao về việc hủy hai bản án kết tội ông, cả nhà ôm nhau khóc, mừng tủi. “Suốt đêm, vợ chồng tôi khóc ròng”, ông Chấn tâm sự. Đến chiều nay, gương mặt ông vẫn còn hốc hác, hai mắt sưng mọng.

Ông Chấn tâm sự lúc này đang rất mông lung, lo lắng cho số phận pháp lý của mình, bởi lẽ theo kháng nghị bản án đã được hủy nhưng chưa có phán quyết cuối cùng về việc ông được vô tội, sẽ có vụ án khác được mở ra theo yêu cầu điều tra lại của Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao.
 
Niềm vui của ông Chấn khi trở về với gia đình 

Ông bảo chỉ khi nào có quyết định cuối cùng từ cơ quan pháp luật, ông mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó mới tính đến việc yêu cầu bồi thường oan sai. Còn giờ, ông sợ bị sẽ lại phải "đi tù trở lại".

"Cả nhà vui mừng đấy, hạnh phúc tràn ngập đấy, vẫn còn nơm nớp. Mọi thứ vẫn chưa thể đoán định được", ông chia sẻ.

Nét mặt trầm ngâm, ông bảo, từ khi bị bắt tạm giam vì tình nghi liên quan đến cái chết của chị Nguyễn Thị Hoan, đã phải trải qua bao cay đắng, tủi nhục. “Tôi bị ép cung, bị người cùng phòng giam đánh đập, bắt nạt”, ông Chấn nói.

Có những lúc quẫn bách, ông thấy bế tắc nên tìm cách tự tử. “Tôi 3 lần chết hụt. Lần đầu dùng dây và chiếc bàn chải đánh răng siết chặt cổ để không còn thở được nhưng bạn cùng buồng phát hiện ra”, ông Chấn nhớ lại thời gian đầu bị tạm giam. Lần thứ hai, ông tìm cách đập đầu vào tường để tự vẫn song không chết.

Từ hôm về, ông thấy mọi thứ đã thay đổi nhiều, duy chỉ tấm bằng Tổ quốc ghi công của người cha liệt sĩ, cùng chiếc máy xay xát cũ để ở gian nhà dưới còn nguyên vẹn. “Tôi chỉ mong được sống với vợ con giống như trước đây”, ông Chấn chia sẻ.

Ngồi trên chiếc giường cũ, anh Nguyễn Chí Quyết, con trai lớn của ông Chấn, cho biết, từ hôm bố về, không ai nhắc đến chữ “tù”. Mỗi lần có ai vô tình buột miệng nói ra, ông Chấn giật mình, gương mặt thảng thốt. “Vì vậy, khi nhận tin Toà chấp nhận kháng nghị của VKS, gia đình em vẫn chưa có niềm vui trọn vẹn”, anh Quyết tâm sự.

Nói một lúc, anh Quyết đưa cho mọi người xem cả xấp đơn bố mình viết kêu oan từ lúc còn trong trại giam. Có những tờ đơn đã úa vàng, nhàu nhĩ, mực nhoè nhoẹt. “Mẹ con em nhiều năm cùng bố đi gõ cửa kêu oan khắp nơi cũng chỉ mong có được như ngày hôm nay”, anh Quyết nói. Theo anh Quyết, ước mong lớn nhất của cả nhà là đến ngày “bố em được tự do thật sự”.

Nghe con trai tâm sự với mọi người, bà Nguyễn Thị Chiến, người vợ bệnh tật đang nằm trên giường rớt nước mắt. Gương mặt chất chứa u sầu, bà tâm sự: "Tôi vui mà nước mắt cứ tuôn trào, vì còn nhiều lo lắng".

Theo nguồn tin hôm nay, Công an tỉnh Bắc Giang đã triệu tập một số điều tra viên tham gia thụ lý vụ án của ông Chấn từ 10 năm trước để yêu cầu viết tường trình. Ông Nguyễn Văn Chức (Chánh văn phòng Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết ngay hôm ông Chấn được VKSND Tối cao tạm đình chỉ giam giữ, ngày 4/11, Công an tỉnh đã họp xem xét lại hồ sơ điều tra và biên bản ghi lời khai nhưng chưa phát hiện vấn đề bất thường.

Bà Bùi Thị Ngân, Viện phó VKSND tỉnh Bắc Giang, cũng cho hay đơn vị đang yêu cầu những người liên quan báo cáo sự việc, xem xét trách nhiệm để kiểm điểm.

Phía tòa án tỉnh, ông Thân Quốc Hùng, Chánh văn phòng, dù khẳng định vụ án năm xưa không vi phạm về mặt tố tụng, trình tự thủ tục làm vụ án là đúng, song cũng thừa nhận có sai sót trong đánh giá chứng cứ. Ông cho rằng trách nhiệm bồi thường oan sai trong vụ án này thuộc thẩm quyền phán xét của tòa tối cao. Trách nhiệm xử lý cán bộ tòa sai phạm cũng do tòa tối cao quyết định.

Theo Việt Dũng
Vnexpress

Phản hồi từ khách hàng

Họ tên:
Mobile:
Email:
Nội dung:

Tin liên quan

Bài viết mới nhất

Phản hồi mới nhất