Hotline: 091 277 2008 - Email: luatdansu.net@gmail.com.

Kháng nghị của Viện kiểm sát có đúng luật?

 
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát thành phố Pleiku thì khoảng 23 giờ, thấy xe ô tô khách đi từ hướng huyện Đắk Đoa về thành phố Pleiku, Y Jêm và Bùi Bình Yên đi ra chặn đường buộc lái xe phải dừng lại; Yên cầm 1 cục vữa xi măng đến nói với anh Hưng (lái xe):“đưa tao 200.000 đồng rồi đi", anh Hưng nói: "Không có" thì Y Jêm lấy bình xịt hơi cay từ trong túi quần ra xịt vào mặt anh Hưng nhưng do bình xịt bị tắc, Yên giật bình xịt xịt vào mặt anh Hưng, làm anh Hưng gục mặt xuống vô lăng; Y Jêm bẻ 2 cần gạt nước vứt xuống đường và cùng Yên đập vỡ kính rồi cả hai chui vào trong xe; anh Hưng và anh Hùng (phụ xe) khống chế bắt Yên còn Y Jêm chạy thoát; 9 giờ sáng hôm sau Y Jêm đã đến Công an xã Chư Á đầu thú. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Pleiku xác định xe ô tô bị hư hỏng tổng giá trị thiệt hại là 3.400.000 đồng, nhưng chủ sở hữu xe yêu cầu bồi thường 11.200.000 đồng; anh Hưng bị thương nhẹ vào Bệnh viện khám và mua thuốc về uống. Anh Hưng từ chối việc giám định tổn hại sức khỏe; quá trình điều tra, gia đình Y Jêm và Bùi Bình Yên đã bồi thường cho chủ sở hữu xe 11.200.000 đồng; bồi thường cho anh Hưng 1.500.000 đồng, tiền chi phí chữa trị thương tích, anh Hưng không yêu cầu gì thêm. Với nội dung sự việc như trên Viện kiểm sát Pleiku truy tố Y Jêm, Bùi Bình Yên về tội “Cướp tài sản” theo điểm d Khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự. Riêng hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản, Viện kiểm sát cho rằng, hành vi của các bị can là bột phát, không có bàn bạc trước và động cơ chỉ nhằm tiếp cận được bị hại để chiếm đoạt được tài sản nên Cơ quan điều tra không khởi tố độc lập về tội danh“Cố ý làm hư hỏng tài sản” đối với Y Jêm và Bùi Bình Yên là có cơ sở. Tòa án nhân dân thành phố Pleiku xét xử sơ thẩm phạt Y Jêm 3 năm 6 tháng tù; phạt bị cáo Bùi Bình Yên 3 năm tù đều về tội “Cướp tài sản”. Sau khi xét xử sơ thẩm, không có ai kháng cáo, Viện kiểm sát thành phố Pleiku cũng không kháng nghị, nhưng Viện kiểm sát tỉnh Gia Lai cho rằng, cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm nên kháng nghị bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, theo hướng hủy Bản án sơ thẩm nêu trên, để giao cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
 
Khi thụ lý hồ sơ vụ án để xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai thấy đây là trường hợp chưa gặp bao giờ nên có quan điểm khác nhau về kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai. Quan điểm thứ nhất cho rằng, từ trước đến nay Viện kiểm sát đã kháng nghị thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử, còn việc Tòa án cấp phúc thẩm có chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát hay không là thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử. Đối với trường hợp cụ thể này, do Viện kiểm sát kháng nghị “ngoài” phạm vi bản án sơ thẩm, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm, đồng thời kiến nghị cấp giám đốc thẩm xét lại vụ án, nếu Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm. Quan điểm thứ hai cho rằng, Tòa án cấp phúc thẩm không phải mở phiên tòa, mà trả lại kháng nghị cho Viện kiểm sát nếu Viện kiểm sát không rút kháng nghị, vì trong trường hợp này Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị phúc thẩm, cũng tương tự như trường hợp người kháng cáo không có quyền kháng cáo. Việc trả lại kháng nghị cho Viện kiểm sát cũng được thực hiện như đối với việc trả lại đơn cho người kháng cáo. Tôi đồng tình với ý kiến này và có ý kiến như sau: Bộ luật tố tụng hình sự không quy định căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Căn cứ vào Điều 33 Quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự (ban hành kèm theo quyết định số 121/2004/QĐ-VKSTC ngày 16-9-2004 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) thì có 4 căn cứ để kháng nghị phúc thẩm, đó là: việc điều tra, xét hỏi tại phiên toà sơ thẩm phiến diện hoặc không đầy đủ; kết luận của bản án hoặc quyết định hình sự sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; có những vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật hình sự và có những vi phạm về thủ tục tố tụng hình sự trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Tuy chỉ là tạm thời, nhưng Quy chế này phần nào đã đáp ứng được một phần những vướng mắc trong công tác kháng nghị phúc thẩm và hiện nay, Viện kiểm sát các cấp coi 04 căn cứ nêu trên là căn cứ để kháng nghị phúc thẩm. Các căn cứ này theo chúng tôi cũng phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, không phải các sai lầm nghiêm trọng nào của Toà án cấp sơ thẩm đều là đối tượng kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm mà những sai lầm đó phải thuộc thẩm quyền quyết định của Toà án cấp phúc thẩm thì mới kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Nếu Toà án cấp phúc thẩm không có thẩm quyền quyết định thì dù bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng cũng không phải là căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm mà chỉ có thể kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Ví dụ: Toà án cấp sơ thẩm miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo, Viện kiểm sát thấy việc miễn trách nhiệm hình sự là sai lầm nghiêm trọng, nhưng nếu Viện kiểm sát có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì Toà án cấp phúc thẩm cũng không thể quyết định buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với bị cáo được, mà việc kháng nghị và quyết định này thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm. Như vậy, ngoài sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự và có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm, khi quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, Viện kiểm sát cần chú ý xem việc kháng nghị đó có khả thi hay không, nếu kháng nghị có căn cứ nhưng Toà án cấp phúc thẩm không thể giải quyết được thì không được kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm mà chỉ có thể kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Đây là vấn đề rất quan trọng và nếu không chú ý sẽ dẫn đến việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm vô nghĩa mặc dù lý do của việc kháng nghị là có căn cứ. Như vậy, có thể xác định căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là: “bản án hoặc quyết định của Toà án cấp sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng và sai lầm đó thuộc thẩm quyền quyết định của Toà án cấp phúc thẩm”. Trở lại vụ án trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai cho rằng cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm, cụ thể là tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”. Giả thiết, hành vi của Y Jêm và Bùi Bình Yên đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”, thì Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cấp sơ thẩm bỏ lọt chứ không phải Tòa án cấp sơ thẩm. Theo quy định tại Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự thì, Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. Tòa án cấp sơ thẩm không có quyền xét xử thêm tội danh khác mà Viện kiểm sát không truy tố.
 
Trong vụ án này, Viện kiểm sát chỉ truy tố Y Jêm và Bùi Bình Yên về tội cướp tài sản, Tòa án nhân dân thành phố Pleiku cũng chỉ đưa ra xét xử 2 bị cáo này về tội cướp tài sản, Tòa án nhân dân thành phố Pleiku có muốn xét xử và kết án Y Jêm và Bùi Bình Yên thêm tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” cũng không được. Việc bỏ lọt tội phạm trong trường hợp này, nếu có thì cũng không phải do sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm, trừ trường hợp Viện kiểm sát truy tố Y Jêm và Bùi Bình Yên thêm tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” nhưng Toà án cấp sơ thẩm lại tuyên bố các bị cáo không phạm tội này, nếu việc tuyên bố đó rõ ràng là trái pháp luật thì bị coi là bỏ lọt tội phạm và Viện kiểm sát có quyền kháng nghị phúc thẩm để Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại theo hướng kết án Y Jêm và Bùi Bình Yên thêm tội“cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự.
 
Như vậy, việc kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đối với bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Plei-Ku vừa không đúng thẩm quyền, vừa vượt quá phạm vi. Lẽ ra, nếu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai cho rằng, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thành phố PleiKu bỏ lọt tội“cố ý làm hư hỏng tài sản” đối với Y Jêm và Bùi Bình Yên thì nên để bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật rồi kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đề nghị Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Gia-Lai xét xử giám đốc thẩm, chứ không phải kháng nghị phúc thẩm. Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai nên trao đổi với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai để Viện kiểm sát tỉnh rút kháng nghị phúc thẩm, sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật có muốn kháng nghị thì kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
 
Thạc sỹ Đinh văn Quế, nguyên Chánh tòa Tòa Hình sự TAND tối cao

Phản hồi từ khách hàng

Họ tên:
Mobile:
Email:
Nội dung:

Tin liên quan

Bài viết mới nhất

Phản hồi mới nhất