Hotline: 091 277 2008 - Email: luatdansu.net@gmail.com.

Một số chế tài của luật thương mại 2005 cần được hoàn thiện

Kết quả hình ảnh cho commercial lawLS. LÊ VĂN SUA

Luật Thương mại năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, Luật này ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán gia nhập WTO (viết tắc từ tiếng Anh World Trade Organization), nó có vai trò là sứ mệnh lịch sử đưa Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới. Sau hơn 10 năm thi hành đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng cũng đã bộc lộ những bất cập cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình và bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Chẳng hạn, trong quan hệ giữa các thương nhân, pháp luật thương mại có những quy định nhằm duy trì và bảo đảm sự bình đẳng cho các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng. Khi một hợp đồng thương mại đã được giao kết hợp pháp và phát sinh hiệu lực pháp luật thì các bên phải thực hiện các nghĩa vụ mà mình đã thỏa thuận trong hợp đồng. Việc vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng dẫn đến hậu quả bên vi phạm phải chịu chế tài, bao gồm các chế tài do vi phạm hợp đồng trong thương mại mà bên bị vi phạm có quyền được lựa chọn áp dụng hoặc yêu cầu áp dụng chế tài. Đó là các biện pháp tác động bất lợi về tài sản của bên có quyền lợi bị vi phạm đối với chủ thể có hành vi vi phạm cam kết hợp đồng trong thương mại. Nếu một bên vi phạm hợp đồng thì phải gánh chịu những hậu quả pháp lí (bất lợi) nhất định do hành vi vi phạm đó gây ra. Tuy nhiên, thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm hợp đồng thương mại trong thời gian qua vẫn còn một số vấn đề gây tranh cãi, một số quy định của Luật Thương mại năm 2005 gây “khó khăn” cho các cơ quan giải quyết tranh chấp và các bên trong việc xác định hình thức xử lý đối với bên có hành vi vi phạm hợp đồng. Những vấn đề này phần lớn xuất phát từ sự bất cập của các quy định về chế tài trong thương mại. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đi sâu phân tích về một số bất cập của chế tài trong thương mại cần được nghiên cứu sửa đổi để đạt được hiệu quả cao hơn trong quá trình điều chỉnh các vấn đề trong hoạt động thương mại.

Theo Điều 292 Luật Thương mại năm 2005, chế tài trong thương mại bao gồm các loại sau:

 

– Buộc thực hiện đúng hợp đồng là hình thức chế tài theo đó bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.
– Phạt hợp đồng là hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng, theo đó bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm một khoản tiền nhất định do pháp luật quy định hoặc do các bên thỏa thuận trên cơ sở của pháp luật.
– Tạm ngừng thực hiện hợp đồng trong thương mại là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Khi hợp đồng trong thương mại bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

– Đình chỉ thực hiện hợp đồng trong thương mại là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Khi hợp đồng trong thương mại bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt hiệu lực từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ hợp đồng có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng.

– Hủy bỏ hợp đồng trong thương mại là sự kiện pháp lí mà hậu quả của nó làm cho nội dung hợp đồng bị hủy bỏ và không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Hủy bỏ hợp đồng có thể là hủy bỏ một phần hợp đồng hoặc hủy bỏ toàn bộ hợp đồng. Khi hợp đồng bị hủy bỏ toàn bộ, hợp đồng đó được coi là không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết. Các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi hủy bỏ hợp đồng và những thỏa thuận để giải quyết tranh chấp.
Từ nội dung quy định các hình thức chế tài thương mại nêu trên, thực tiễn áp dụng đã bộc lộ những hạn chế, như sau:

Một là, về khái niệm hình thức chế tài “Buộc thực hiện đúng hợp đồng”
Theo quy định tại Điều 297 Luật Thương mại năm 2005, “Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh”. Như vậy, một phần trong định nghĩa về hình thức buộc thực hiện đúng hợp đồng thể hiện tính không khả thi, cụ thể là cụm từ “thực hiện đúng hợp đồng” là khó có thể thực hiện đặc biệt là trường hợp vi phạm hợp đồng về mặt thời hạn. Chẳng hạn, trong hợp đồng có thỏa thuận thời gian giao hàng vào 8h sáng ngày 01/01/2016, thì khi đã có hành vi vi phạm hợp đồng về mặt thời hạn thì hợp đồng đó không thể“thực hiện đúng hợp đồng” được nữa vì các bên không thể quay ngược thời gian vào thời điểm thỏa thuận trong hợp đồng để thực hiện đúng hợp đồng.

Do vậy, để bảo đảm tính khả thi đối với quy định về buộc thực hiện đúng hợp đồng, theo tác giả, cần xây dựng khái niệm về hình thức chế tài này theo hướng “Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh”.Nếu được như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng quy định của Luật đặt ra nhưng thiếu tính khả thi, do không sát thực tế.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 299 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được áp dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”. Quy định như vậy đã làm cho chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trở thành vô giá trị,  bởi vì ngay cả trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài này thì cũng không chịu bất kì trách nhiệm bổ sung nào mà chỉ chịu các hình thức chế tài như phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại hoặc tạm ngừng, đình chỉ, hủy bỏ hợp đồng. Quy định này đã biến hình thức chế tài “buộc thực hiện đúng hợp đồng” thành kẽ hở rất lớn để lợi dụng nhằm trì hoãn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Theo tác giả, khi sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005, cần quy định bổ sung các hình thức chế tài đã nêu ở trên để áp dụng khi bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng.

Hai là, về hình thức chế tài phạt vi phạm hợp đồng
Theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại năm 2005: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”.

Theo quy định hiện hành của pháp luật nước ta, có hai văn bản pháp luật có giá trị điều chỉnh quan hệ về chế tài phạt vi phạm là Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005. Khoản 2 Điều 422 của BLDS năm 2005 về mức phạt vi phạm được áp dụng cho các quan hệ dân sự thì mức phạt vi phạm do các bên tự thỏa thuận. Điều này được hiểu là các bên có quyền tự do lựa chọn mức phạt vi phạm mà không hề bị khống chế bởi quy định của pháp luật. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên đó chỉ là những quan hệ mang tính chất dân sự theo nghĩa hẹp. Còn đối với những quan hệ dân sự theo nghĩa rộng, mà cụ thể là các quan hệ được Luật Thương mại năm 2005 điều chỉnh thì mức phạt vi phạm bị hạn chế ở mức 8%. Ở đây có sự khác biệt giữa hai văn bản khi cùng điều chỉnh một vấn đề. Vì thế, cần phân biệt được những quan hệ nào thuộc phạm vi điều chỉnh bởi BLDS năm 2005, những quan hệ nào được Luật Thương mại năm 2005 điều chỉnh để có thể áp dụng một cách chính xác. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 thì hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Những quan hệ này khi có tranh chấp xảy ra và có điều khoản về phạt vi phạm thì sẽ áp dụng mức phạt vi phạm tối đa là 8%. Vậy quy định này của pháp luật có hợp lý hay không và có làm hạn chế quyền tự do thỏa thuận của các bên hay không?

Mặt khác, nếu trong hợp đồng hai bên thỏa thuận mức phạt vượt quá 8% giá trị hợp đồng, ví dụ: hai bên thỏa thuận, mức phạt 30%, 200%… thì sẽ xử lý như thế nào? Xoay quanh vấn đề này, có hai quan điểm như sau:

+ Quan điểm thứ nhất, việc thỏa thuận này là vô hiệu, vì vậy khi giải quyết tranh chấp về yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng, không chấp nhận yêu cầu này bởi vì xem như hai bên không có thỏa thuận.

+Quan điểm thứ hai cho rằng, việc thỏa thuận vượt quá 8% chỉ vô hiệu một phần đối với mức phạt vượt quá 8% còn điều khoản phạt vi phạm hợp đồng hoàn toàn có hiệu lực, trong trường hợp này có thể áp dụng mức tối đa 8% yêu cầu của bên bị vi phạm, phần vượt quá không được chấp nhận. Từ thực tiễn xét xử các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại, các Tòa án thường chấp nhận quan điểm thứ hai, nghĩa là nếu hai bên thỏa thuận vượt quá 8% thì sẽ áp dụng mức phạt từ 8% trở xuống để giải quyết yêu cầu bồi thường cho bên bị vi phạm. Người viết cho rằng, điều này hoàn toàn hợp lý, bởi vì, bản chất hợp đồng là ý chí của các bên, trong trường hợp này các bên hoàn toàn chấp nhận sẽ chịu phạt nếu vi phạm hợp đồng, còn việc thỏa thuận mức phạt vượt quá giá trị hợp đồng là do hai bên chưa hiểu biết đầy đủ quy định của Luật Thương mại năm 2005 chứ không có nghĩa là không có điều khoản về phạt vi phạm.

Về bản chất, mục đích của chế tài phạt vi phạm hợp đồng là để răn đe và phòng ngừa các bên thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng. Do vậy, việc các bên thỏa thuận một mức phạt như thế nào nhằm đạt được mục đích như trên ở một chừng mực nhất định là hợp lý. Tuy nhiên, khi ban hành Luật Thương mại, nhà làm luật còn quy định về mức trần phạt vi phạm (8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm) nhằm bảo vệ lợi ích của các bên trong hợp đồng (bên bị vi phạm) và bảo vệ lợi ích của Nhà nước và sự ổn định của nền kinh tế trước những hành vi vi phạm hợp đồng. Bởi lẽ, thông qua quy định về mức trần trong phạt vi phạm, Nhà nước sẽ kiểm soát được các thỏa thuận phạt “trá hình” nhằm thu lợi bất chính từ phía các chủ thể trực tiếp ký kết hợp đồng.

Trên cơ sở các nội dung đã phân tích, theo tác giả, quy định về mức phạt vi phạm hợp đồng khi sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 sắp tới, cần được nghiên cứu tiếp cận một trong hai phương án sau:

+Phương án thứ nhất: Nếu nhà làm luật vẫn giữ mức trần phạt vi phạm hợp đồng, thì có thể quy định theo hướng “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vượt quá 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm thì phần vượt quá sẽ không có giá trị pháp lý”. Với cách quy định này, sẽ giải quyết được tình trạng tùy tiện trong việc áp dụng chế tài phạt vi phạm, đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước đối với các thỏa thuận phạt, vừa đảm bảo và tôn trọng sự tự do thỏa thuận, tự định đoạt của các bên khi giao kết hợp đồng trong giới hạn mức trần phạt cho phép của nhà nước.

+Phương án thứ hai: Bỏ quy định về mức trần phạt vi phạm hợp đồng như hiện nay. Bởi lẽ, nó sẽ làm hạn chế quyền tự do định đoạt, tự do thỏa thuận của các thương nhân trong hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, mục đích của việc quy định chế tài phạt vi phạm là để phòng ngừa và răn đe các bên vi phạm hợp đồng. Thiết nghĩ, không ai có thể hiểu hơn các bên tham gia trong hợp đồng, nên về mức phạt ở mức độ như thế nào mới đủ sức phòng ngừa và răn đe các hành vi vi phạm, do tính phức tạp và đặc thù của mỗi lĩnh vực khác nhau trong quan hệ hợp đồng. Do vậy, việc quy định mức trần phạt vi phạm đã phần nào vô hiệu hóa những thỏa thuận đó của thương nhân, dẫn đến một hậu quả là mục đích của quy định về chế tài phạt không đạt được, hay nói cách khác, có những vụ việc trên thực tế nếu chỉ dừng lại giới hạn ở mức phạt không quá 8% thì các thương nhân sẵn sàng vi phạm hợp đồng nếu lợi ích kinh tế của việc vi phạm đó mang lại nhiều hơn nhiều so với khoản tiền không quá 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm mà thương nhân phải chi trả cho bên bị vi phạm. Việc không quy định mức trần phạt vi phạm hợp đồng cũng phù hợp với cách quy định của BLDS năm 2005, thông qua đó, nâng cao ý thức thực hiện hợp đồng của các thương nhân cũng như đảm bảo sự tự do thỏa thuận của họ trong hoạt động thương mại.

Ba là, hình thức chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng
Theo quy định tại Điều 308 Luật Thương mại năm 2005: “Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng”. Có hai căn cứ để áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đó là: i) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng; ii) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Khi chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng được áp dụng, hậu quả pháp lý đối với hợp đồng này là hợp đồng vẫn còn hiệu lực và bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu hành vi vi phạm đó gây thiệt hại cho bên bị vi phạm. Như vậy về bản chất, việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng và hợp đồng đó sẽ tiếp tục được thực hiện trong tương lai khi điều kiện áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng chấm dứt. Vấn đề đặt ra, sau khi áp dụng biện pháp này, thời điểm nào sẽ được coi là chấm dứt việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng? Căn cứ nào để một bên yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng đã bị tạm ngừng thực hiện? Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện do bên tạm ngừng tự động thực hiện hay theo yêu cầu của bên có hành vi vi phạm hợp đồng?

Tất cả những yếu tố này hiện nay đều chưa được tính đến trong Luật Thương mại hiện hành, gây khó khăn cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Để giải quyết sự bất cập này, theo tác giả, cần bổ sung quy định cụ thể về căn cứ, thời điểm chấm dứt áp dụng hình thức tạm ngừng thực hiện hợp đồng và nghĩa vụ của các bên khi căn cứ tạm ngừng thực hiện hợp đồng chấm dứt. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, tránh trường hợp lợi dụng việc áp dụng chế tài này để "chấm dứt” việc thực hiện các hợp đồng trên thực tế.

Bốn là, hậu quả pháp lý của hình thức huỷ bỏ hợp đồng
Theo quy định tại Điều 312 Luật Thương mại năm 2005, hủy bỏ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng(hủy bỏ toàn bộ) hoặc bãi bỏ một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực (hủy bỏ một phần).
Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng là hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp (khoản 1 Điều 314 Luật Thương mại). Như vậy về nguyên tắc, hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng giống như trong trường hợp hợp đồng bị vô hiệu, các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận từ việc thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, cách quy định này sinh ra một số bất cập với quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 314 Luật này. Mà theo đó, “2. Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền”;  “3. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này”.

Quy định này, theo tác giả đã mâu thuẫn với khoản 1 Điều 314 Luật Thương mại năm 2005, khi quy định hợp đồng bị hủy bỏ thì không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, bởi xét trên các góc độ pháp lý sau đây:
+Việc cho phép các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng đã đi ngược lại với bản chất của hủy hợp đồng, bởi lẽ khi hợp đồng bị hủy “không có hiệu lực từ thời điểm giao kết” thì tất cả những phần hợp đồng đã thực hiện sẽ phải hoàn trả lại cho bên kia. Với quy định này, có lẽ pháp luật đã thừa nhận hiệu lực của hợp đồng bị hủy hơn là hủy những nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng. Do vậy, quy định này cần phải được sửa đổi theo hướng ghi nhận phần hợp đồng không bị hủy (đối với hợp đồng bị hủy một phần), đối với phần hợp đồng bị hủy, các bên phải hoàn trả lại những gì đã nhận cho nhau, đối với phần không bị hủy sẽ phải tiếp tục thực hiện theo những thỏa thuận trong hợp đồng.

+ Quy định “nếu các bên không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền” là không hợp lý, đôi khi lại là cách ghi nhận hiệu lực của hợp đồng bị hủy. Quy định này chỉ hợp lý khi lợi ích các bên nhận được là lợi ích vật chất dưới dạng hiện vật, nếu lợi ích mà các bên nhận được là lợi ích về mặt tinh thần hoặc đối tượng của hợp đồng là dịch vụ, thì việc bên được cung ứng dịch vụ hoặc nhận được lợi ích tinh thần phải trả lại tiền cho bên cung ứng dịch vụ chẳng khác gì việc trả tiền cho lợi ích mình nhận được từ một hợp đồng bị hủy (không còn giá trị đối với các bên). Bên cạnh đó, số tiền phải trả là bao nhiêu, nguyên tắc định giá thế nào? Theo giá thị trường vào thời điểm “hoàn trả” hay theo giá đã thỏa thuận trong hợp đồng cho những lợi ích đã nhận được cũng không được tính đến, điều này sẽ gây khó khăn cho các chủ thể cũng như các cơ quan giải quyết tranh chấp trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Chính vì vậy, cần phải làm rõ khái niệm “lợi ích” ở đây là gì, theo người viết “lợi ích” cần phải được hiểu là các lợi ích vật chất nhận được dưới dạng hiện vật, nhằm tránh trường hợp “tiếp tục thực hiện hợp đồng đã bị hủy” do bên thụ hưởng lợi ích tinh thần hoặc dịch vụ buộc phải trả lại bằng tiền. Vì lẽ đó, cần sửa đổi quy định này theo hướng“nếu các bên không thể hoàn trả bằng chính hiện vật đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền theo giá trị hiện vật tại thời điểm hoàn trả”.

Năm là, mối quan hệ giữa các loại chế tài trong thương mại
Mối quan hệ giữa các loại chế tài trong thương mại vẫn còn một số bất cập thể hiện trên các khía cạnh sau đây:

i). Về mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài buộc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 307 Luật Thương mại năm 2005, như sau:
“1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.”

Với quy định này, nhà làm luật nhấn mạnh chế tài phạt vi phạm có thể áp dụng đồng thời với chế tài buộc bồi thường thiệt hại, hay nói cách khác, việc áp dụng chế tài phạt vi phạm không làm mất quyền áp dụng chế tài buộc bồi thường thiệt hại của bên bị vi phạm. Tuy nhiên, nội dung này đã được ghi nhận tại Điều 316 Luật này, đó là: “Một bên không bị mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổn thất do vi phạm hợp đồng của bên kia khi đã áp dụng các chế tài khác”. Như vậy, theo quy định tại Điều 316 Luật Thương mại năm 2005, thì chế tài buộc bồi thường thiệt hại có thể áp dụng cùng một lúc với các chế tài khác bao gồm chế tài phạt vi phạm. Do đó, việc đặt ra một điều luật riêng để điều chỉnh mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại như trong Điều 307 Luật Thương mại hiện hành là không cần thiết. Không những thế, nội dung của Điều 307 Luật này lại thiếu hoàn chỉnh khi quá nhấn mạnh đến căn cứ áp dụng của điều khoản phạt vi phạm mà không đề cập đến căn cứ áp dụng của chế tài buộc bồi thường thiệt hại, nên dẫn đến những lúng túng và hiểu nhầm cho các thương nhân khi áp dụng. Để giải quyết tình trạng như đã nêu, theo tác giả nên loại bỏ quy định tại  Điều 307 Luật Thương mại năm 2005, khi sửa đổi.
ii). Về mối quan hệ giữa chế tài hủy hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng với các loại chế tài khác. Trong những quy định về mối quan hệ giữa chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng nằm rải rác tại các Điều 309, Điều 311 và Điều 314 Luật Thương mại năm 2005 và còn đề cập đến việc áp dụng ba loại chế tài trên không làm mất quyền áp dụng chế tài buộc bồi thường thiệt hại. Quy định như vậy là không hợp lý bởi hai lý do: Thứ nhất, những nội dung này đã được ghi nhận trong Điều 316 Luật Thương mại hiện hành; Thứ hai, nếu chỉ dừng lại ở quy định như vậy thì không bao hàm việc áp dụng ba loại chế tài này với chế tài phạt vi phạm, trong khi nếu có đủ căn cứ áp dụng thì việc áp dụng ba loại chế tài này với chế tài phạt là hoàn toàn hợp pháp và chính xác.

Do vậy, theo tác giả, để tránh tình trạng quy định chồng chéo và không bao hàm hết các mối quan hệ giữa các chế tài, thì cần thiết phải thực hiện hai bước: Trước hết là loại bỏ hết các quy định về mối quan hệ của các loại chế tài nằm rải rác trong các điều luật khác nhau và sau đó thiết kế một quy định chung về mối quan hệ của các loại chế tài trong thương mại theo hướng sau: “Các chế tài trong thương mại có thể được áp dụng đồng thời nếu có đủ căn cứ áp dụng theo quy định của luật này trừ việc áp dụng đồng thời các chế tài hủy hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và tạm ngừng thực hiện hợp đồng”

Sáu là, các nguyên tác cơ bản trong hoạt động thương mại mà Luật Thương mại năm 2005 quy định, hoặc đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, như nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận; nguyên tắc bình đẳng; nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng. Còn nguyên tắc áp dụng thói quen; nguyên tắc áp dụng tập quán; nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại (Điều 12, Điều 13 và Điều 15 Luật Thương mại năm 2005), về bản chất đó không là nguyên tắc.

Luật Thương mại năm 2005 và BLDS năm 2005 có nhiều quy định trùng nhau như hợp đồng mua bán hàng hóa (Luật Thương mại năm 2005; Chương II; từ Điều 24 đến Điều 62) và hợp đồng mua bán tài sản (BLDS năm 2005; Chương XVIII; từ Điều 428 đến Điều 449); hợp đồng đại diện cho thương nhân (Luật Thương mại năm 2005; Chương V; từ Điều 141 đến Điều 177) và hợp đồng ủy quyền (BLDS năm 2005; Chương XVIII; từ Điều 581 đến Điều 589);  hợp đồng cho thuê hàng hóa Luật Thương mại năm 2005; Chương Vi; từ Điều 269 đến Điều 283) và hợp đồng thuê tài sản (BLDS năm 2005; Chương XVIII; từ Điều 480 đến Điều 491); Hợp đồng gia công hàng hóa với hợp đồng gia công; … Mặt khác, nội dung quy định quảng cáo thương mại (từ Điều 102 đến Điều 140) trùng với nhiều quy định của Luật Quảng cáo năm 2012. Do vậy, khi sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 sắp tới, người viết kiến nghị nên loại bỏ những quy định chồng chéo, trùng lắp với luật chuyên ngành khác.\

Một bất cập khác cũng cần phải nêu, đó là Điều 318 Luật Thương mại năm 2005 qui định, về thời hạn khiếu kiện, như sau:

“Trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 237 của Luật này, thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau:

1. Ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hoá;

2. Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hoá; trong trường hợp hàng hoá có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;

3. Chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác.”.

Trong khi đó các hợp đồng dân sự được điều chỉnh bởi BLDS năm 2005, kể cả BLDS năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 sắp tới cũng không qui định thời hạn khiếu nại. Do vậy, nếu chiếu theo Điều 318 Luật Thương mại năm 2005, mà quá thời hạn trên sẽ mất quyền khởi kiện, điều này dẫn đến xung đột với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

 

Phản hồi từ khách hàng

Họ tên:
Mobile:
Email:
Nội dung:

Tin liên quan

Bài viết mới nhất

Phản hồi mới nhất

  • Lam dieu hăng nói:
    Vợ chồng e có 2 đứa con chung bé trai 2 tuổi rưỡi bé gái 11thang tuổi. E muốn ly hôn và dành quyền nuôi 2 con thì có được ko ạ, hiện e đang làm tháng lương 5tr5 1 tháng;
  • Lam dieu hăng nói:
    Vợ chồng e có 2 đứa con chung bé trai 2 tuổi rưỡi bé gái 11thang tuổi. E muốn ly hôn và dành quyền nuôi 2 con thì có được ko ạ, hiện e đang làm tháng lương 5tr5 1 tháng;
  • Lam dieu hăng nói:
    Vợ chồng e có 2 đứa con chung bé trai 2 tuổi rưỡi bé gái 11thang tuổi. E muốn ly hôn và dành quyền nuôi 2 con thì có được ko ạ, hiện e đang làm tháng lương 5tr5 1 tháng;
  • Lam dieu hăng nói:
    Vợ chồng e có 2 đứa con chung bé trai 2 tuổi rưỡi bé gái 11thang tuổi. E muốn ly hôn và dành quyền nuôi 2 con thì có được ko ạ, hiện e đang làm tháng lương 5tr5 1 tháng;
  • Lam dieu hăng nói:
    Vợ chồng e có 2 đứa con chung bé trai 2 tuổi rưỡi bé gái 11thang tuổi. E muốn ly hôn và dành quyền nuôi 2 con thì có được ko ạ, hiện e đang làm tháng lương 5tr5 1 tháng;
  • Lam dieu hăng nói:
    Vợ chồng e có 2 đứa con chung bé trai 2 tuổi rưỡi bé gái 11thang tuổi. E muốn ly hôn và dành quyền nuôi 2 con thì có được ko ạ, hiện e đang làm tháng lương 5tr5 1 tháng;
  • Trần thị ngọc ánh nói:
    Vợ chồng tôi có 2 đứa con 1 đứa 5 tuổi,1 đứa hơn 2 tuổi. Nhưng vợ chồng tôi muốn chia con, tôi muốn nuôi đứa lớn,còn đứa 2 tuổi chồng tôi nuôi được không ạ.hay con lớn theo ba,con nhỏ theo mẹ ạ;
  • Nhân viên pháp lý - 038.323.9745 nói:
    Chào chị Ánh, trường hợp trên theo chị trình bày thì cả 2 vợ chồng đều thuận tình ly hôn. Nuyên tắc chia con chung theo Luật hôn nhân và gia đình: con dưới 36 tháng tuổi thì mẹ sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng con vì vậy mà bé nhỏ của chị chỉ hơn 2 tuổi sẽ do chị nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc CHA MẸ CÓ THỎA THUẬN KHÁC phù hợp với lợi ích của con. Như vậy anh chị vẫn có thể tự thỏa thuận việc các con sẽ do ai nuôi dưỡng, chăm sóc sẽ phù hợp với lợi ích của con hơn.;
  • Trần thị ngọc ánh nói:
    Vợ chồng tôi có 2 đứa con 1 đứa 5 tuổi,1 đứa hơn 2 tuổi. Nhưng vợ chồng tôi muốn chia con, tôi muốn nuôi đứa lớn,còn đứa 2 tuổi chồng tôi nuôi được không ạ.hay con lớn theo ba,con nhỏ theo mẹ ạ;
  • Trần thị ngọc ánh nói:
    Vợ chồng tôi có 2 đứa con 1 đứa 5 tuổi,1 đứa hơn 2 tuổi. Nhưng vợ chồng tôi muốn chia con, tôi muốn nuôi đứa lớn,còn đứa 2 tuổi chồng tôi nuôi được không ạ.hay con lớn theo ba,con nhỏ theo mẹ ạ;