Hotline: 091 277 2008 - Email: luatdansu.net@gmail.com.

Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật

Toà án là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.

 

Theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, Toà án xem xét và quyết định việc hủy kết hôn trái pháp luật và gửi bản sao quyết định cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn. 

 

Khi giải quyết huỷ việc kết hôn trái pháp luật, cần chú ý các điểm sau đây:

 

Trường hợp việc đăng ký kết hôn không phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện, thì việc đăng ký kết hôn đó không có giá trị pháp lý. Nếu có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật thì mặc dù có vi phạm một trong những điều kiện kết hôn, Toà án không tuyên bố huỷ kết hôn trái pháp luật mà tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng.

 

Trường hợp việc đăng ký kết hôn không theo nghi thức quy định thì việc kết hôn đó không có giá trị pháp lý, nếu có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật, thì mặc dù có vi phạm một trong các điều kiện kết hôn, Toà án không tuyên bố huỷ kết hôn trái pháp luật mà tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng.

 

Khi cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật do có vi phạm điều kiện kết hôn thì cần phân biệt:

 

- Đối với những trường hợp kết hôn khi một bên hoặc cả hai bên chưa đến tuổi kết hôn thì tuỳ từng trường hợp mà quyết định như sau:

 

+ Nếu đến thời điểm có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật mà một bên hoặc cả hai bên vẫn chưa đến tuổi kết hôn hoặc cả hai bên tuy đã đến tuổi kết hôn, nhưng cuộc sống của họ trong thời gian đã qua không có hạnh phúc, không có tình cảm vợ chồng, thì quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

 

+ Nếu đến thời điểm có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên đã đến tuổi kết hôn, trong thời gian đã qua họ chung sống bình thường, đã có con, có tài sản chung thì không quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật mà giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.

 

- Đối với những trường hợp kết hôn khi một bên bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép, tuỳ từng trường hợp mà quyết định như sau:

 

+ Nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà cuộc sống không có hạnh phúc, không có tình cảm vợ chồng, thì quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

 

+ Nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà bên bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép đã biết, nhưng đã thông cảm, tiếp tục chung sống hoà thuận thì không quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.

 

- Đối với những trường hợp kết hôn thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 LHN&GĐ phải quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

 

Khi giải quyết yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật mà xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì Toà án yêu cầu Viện kiểm sát cùng cấp khởi tố vụ án hình sự.

 

Căn cứ vào quyết định của Toà án, cơ quan đăng ký kết hôn xoá đăng ký kết hôn trong Sổ đăng ký kết hôn.

 

Về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật, khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng. Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn. Tài sản của hai bên được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó. Tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên. Nếu hai bên không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên, ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.

 

 

 

Phản hồi từ khách hàng

Họ tên:
Mobile:
Email:
Nội dung:

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

Bài viết mới nhất

Phản hồi mới nhất